Cẩm nang đầu tư bất động sản dành cho người mới bắt đầu

đầu tư bất động sản Pland


1.Đầu tư vào loại bất động sản nào

Hiểu và xác định đúng loại bất động sản nào phù hợp với khả năng đầu tư của bạn là vấn đề trước tiên bạn cần quyết định. Việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là khả năng tài chính của bạn. Theo các chuyên gia, đầu tư vào các dạng đầu tư bất động sản dưới đây sẽ hứa hẹn đem lại cho bạn nhiều lợi nhuận nhất.

– Bất động sản nghỉ dưỡng: thu lợi cao và dài hạn

– Đầu tư lướt sóng: thu lãi khủng trong thời gian ngắn

– Đầu tư đất nền, nhà liền thổ: gồm đất nền dự án, đất nông nghiệp, nhà phố, đất khu công nghiệp

– Bất động sản cao cấp : là xu hướng”tìm nơi những người giàu có hay lui tới” ám chỉ BĐS có vị trí tốt và giao thông dễ dàng, gần trung tâm.

– Bất động sản khu dâu cư: phù hợp với người có nguồn vốn nhàn rỗi tương đối nhỏ, ổn định và ít rủi ro

– Bất động sản mới nổi theo thị hiếu cung cầu như shophouse, office-tel, condo-tel …

– Bất động sản thương mại: gồm văn phòng, mặt bằng, nhà xưởng cho thuê …

2.Quy tắc chuyển tiền thành giá trị

Hãy lặp đi lặp lại thành ngữ “bạn kiếm tiền khi bạn mua vào một BĐS, chứ không phải khi bạn bán đi một BĐS” cho đến khi nó trở thành tiềm thức. Đây là một trong những cách đơn giản nhất để thành công trong đầu tư BĐS, nhưng đồng thời cũng dễ bị những người môi giới BĐS lạm dụng nếu bạn không cẩn thận. Điều mà bạn muốn biết là mối quan hệ giữa giá mua vào một BĐS với giá bán hiện tại của các BĐS tương tự khác trong cùng khu vực.

Ví dụ: Bất động sản có giá thị trường (giá mặt bằng chung) là 1 tỷ, bạn mua được 800 triệu. Bất động sản có giá thị trường là 5 tỷ, bạn mua được giá 4,2 tỷ. Bất động sản có giá thị trường là 10 tỷ, bạn mua được giá 7 tỷ. Đôi khi sau khi mua xong, có thể thị trường bât động sản đi lên và bạn kiếm thêm được tiền khi bán. Nhưng tư duy đầu tư thông minh là lãi ngay khi mua. Nhờ tư duy này, bạn có thể kiếm tiền cả khi thị trường đi lên và đi xuống. Với thị trường đi xuống, bạn chọn khu vực thanh khoản, mua rẻ và bán cũng rẻ.

3.Chọn BĐS có tính thanh khoản

Đây là sai lầm lớn khiến nhiều người đang chôn tiền của mình tại những nơi quá xa trung tâm hay các tài sản chung cư, liền kề góp vốn – đã dừng hoặc chậm thi công, một số phân khúc bất động sản cao cấp…

Dù bạn định đầu tư vào bất động sản ở trung tâm hay ven đô, thổ cư, nhà phố, chung cư, liền kề hay biệt thự thì tiêu chí tiên quyết là tính thanh khoản. Tính thanh khoản được hiểu đơn giản là khả năng chuyển đổi thành tiền mặt. Giả sử sau khi bạn mua loại bất động sản đó xong, câu hỏi là: Ngay bây giờ, bạn bán có người mua ngay hay không? Có thể câu trả lời là không. Thậm chí cần tiền, bây giờ bán rẻ hơn 1 chút, có người mua ngay hay không ? Có thể câu trả lời vẫn là: Không có!

Bạn mua vào rất dễ và “thoát hàng” ra rất khó. Đặc biệt nếu bạn định vay tiền của ngân hàng, người quen để đầu tư, có thể rất lâu hoặc không biết đến bao giờ mới rút được tiền ra. Sau đó bạn sẽ cảm thấy sốt ruột vì tài sản không tăng giá, bán không ai mua và hàng tháng vẫn phải chịu lãi vay.

Chỉ đầu tư những tài sản này nếu bạn thực sự rất rảnh rỗi về tiền mặt và có ý tưởng đầu tư dài hạn.

Ví dụ một gợi ý cho bạn:

Bất động sản không quá xa trung tâm (hoặc nơi sầm uất) 3-10km thường có tính thanh khoản tốt. Vậy tại sao là 3-10 km? Lý do là mọi người sẽ chấp nhận di chuyển trong khoảng cách này, mất từ 10-25 phút di chuyển, đó là nhu cầu tiêu dùng thực.

Khi nhắc đến bất động sản, thường có 2 nhu cầu cơ bản là tiêu dùng và đầu tư. Khi thị trường đi xuống, có thể nhu cầu đầu tư biến mất và chỉ còn nhu cầu tiêu dùng. Nếu mua bất động sản không quá xa nơi sầm uất thì dù thị trường đi xuống, vẫn luôn có nhu cầu tiêu dùng và bạn vẫn có thể bán được bất động sản của mình, thoát ra khỏi thị trường.

Nhiều người mất tiền hoặc đọng vốn hàng tỷ đồng là do mua bất động sản ở vị trí quá xa trung tâm, nơi không có nhu cầu tiêu dùng. Một số bất động sản khác thì do giá quá cao, không phù hợp với nhiều người nên khi thị trường đi xuống cũng mất luôn tính thanh khoản.
4.Học cách thẩm định giá tài sản

Bất kể các “ chuyên gia ” nói gì thì thực tế là không ai có thể nói chắc ngày mai sẽ thế nào. Do vậy, tự mình làm và hình thành quan điểm của mình về việc liệu tài sản đó sẽ có thể tăng giá. Hãy xem xét các yếu tố như là mức gia tăng việc làm trong khu vực, mức độ khan hiếm của các sản phẩm tương tự, và nhu cầu tương lai của phân khúc đó.

Hãy nhớ nó có tính chủ quan, nhưng nếu quan tâm tìm hiểu, bạn sẽ có thể quyết định chính xác liệu tài sản mà mình định mua có thể bán được với giá cao hơn giá mua vào không.

5.Chuẩn bị kĩ về mặt pháp lý

Một số bất động sản pháp lý không chuẩn: Ví dụ chưa có sổ đỏ hoặc chưa chắc đã làm được. Trong quá trình giao dịch, bạn được chủ nhà, chủ đất hay chủ đầu tư hứa rằng: Yên tâm đi, không phải lo đâu, anh chị sẽ làm sổ đỏ cho em… Bạn đặt cọc 1 khoản tiền lớn hoặc thanh toán hết tiền sau đó không ra được sổ đỏ hoặc xảy ra tranh chấp, kiện tụng… cũng là rủi ro sẽ khiến bạn mất tiền.

Vì vậy bạn cần nhớ:

Luôn kiểm tra kỹ thông tin pháp lý tài sản bằng cách hỏi địa chính xã, phường; phòng tài nguyên quận, huyện hay các cơ quan chức năng, người am hiểu về bất động sản …. trước khi tiến hành giao dịch đặt cọc hay mua bán. Câu hỏi bạn nên tự hỏi tình trạng pháp lý của BĐS này như thế nào?